
Có nên duy trì marketing trong thời kỳ lạm phát hay không?
views
Chủ đề lạm phát tăng cao và thời kỳ suy thoái mới trở nên nóng hơn những ngày gần đây, bạn có thể nhận thấy rõ điều đó qua báo đài tivi, khi mà nền kinh tế cả thế giới đang bắt đầu gánh “còng lưng” sự ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm dịch COVID.
Vậy thì giả sử bối cảnh sắp tới của nền kinh tế là suy thoái và khủng hoảng thật, danh mục cắt giảm đầu tiên mà doanh nghiệp thường nghĩ đến sẽ là marketing (tiếp thị), vì mọi người thường nghĩ rằng, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, người tiêu dùng nào cũng sẽ “thắt lưng buộc bụng” và chẳng mấy lưu tâm đến những sự kiện quảng bá hào nhoáng nữa. Lúc này, marketing sẽ là một thứ “xa xỉ phẩm”, chỉ gây ra tốn kém chứ không đem lại bất cứ hiệu quả nào.
Điều này có đúng hay không? Cùng mình thử phân tích nhé!
Vai trò của marketing
Peter Drucker, người được xem là “cha đẻ” của quản trị kinh doanh hiện đại từng nói rằng: “Mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động kinh doanh là tạo ra khách hàng. Và chỉ có hai chức năng trong doanh nghiệp có thể làm được điều này, đó là marketing (tiếp thị) và innovation (sáng tạo)”.
Nhiệm vụ của marketing lại là tạo ra khách hàng mới bằng cách “đánh thức” những nhu cầu mới nằm ngay trong tiềm thức của khách hàng nhưng họ lại chưa từng hình dung đến nó cho đến khi có tác động của marketing.
Vậy thì rõ ràng marketing không phải là một bộ phận “chỉ biết tiêu tiền” như người ta vẫn nghĩ.
Marketing những năm trước COVID?
Lâu nay, suy nghĩ về marketing thường được “đóng khung” trong những lý thuyết đã trở thành kinh điển như 4P, 3C,...; nhưng thực chất, xã hội và khách hàng hiện nay đã thay đổi rất nhiều.
Kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng, sự cạnh tranh trở nên mạnh mẽ hơn, kéo theo những bước đột phá trong ngành marketing, chúng ta dễ dàng thấy được những công nghệ mới, những kỹ thuật mới, những chiến lược mới, những phương pháp đo lường và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, cùng theo đó là chi phí đắt đỏ, tất cả tạo nên một thế giới “hào nhoáng” cho ngành marketing.
Sau 2 năm chống chọi dịch bệnh…
Tuy nhiên, có lẽ chính vì sự đắt đỏ và hào nhoáng đó, mà trong bối cảnh của khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên căng thẳng và đặt áp lực lên vai doanh nghiệp mỗi ngày, rất nhiều tổ chức đã chọn cách cắt giảm ngân sách marketing, tạm thời “án binh bất động” đợi suy thoái qua đi.
Ngay cả những thương hiệu tầm cỡ cũng phải đối diện với việc đánh mất vị thế của mình do không thể tìm thấy một lối ra phù hợp. Tâm lý chung của những người làm marketing là cảm thấy bất lực và bối rối khi những “vũ khí” đã từng mang lại hiệu quả tột đỉnh trước đây bỗng dưng trở nên vô hiệu.
Nếu xét về vai trò cốt lõi của marketing mà mình đề cập từ đầu bài, thì theo mình đây có lẽ là cách làm chưa phù hợp.
Lối thoát nào cho giai đoạn khủng hoảng?
Những bài học từ quá khứ, gần nhất là giai đoạn suy thoái khủng hoảng năm 2007-2008 với sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu.
Trong cuốn sách “Hiểu số để tăng số” của Dimitri Maex & Paul B. Brown nói về “cách tập đoàn Ogilvy tạo nên những thay đổi to lớn từ những con số nhỏ bé”, dẫn ra hàng loạt doanh nghiệp đã phục hồi nhanh chóng sau suy thoái, là những doanh nghiệp đã không cắt giảm ngân sách marketing, thậm chí còn tiếp tục đẩy mạnh (Chương 5: Phân bổ ngân sách marketing).
Theo mình thì chúng ta không nên xem chuyện suy thoái kinh tế chỉ là một giai đoạn tạm thời sẽ nhanh chóng qua đi mà phải nhìn nhận nó như là một thực tế hiển hiện và bình thường (mới).
Thời thế tạo anh hùng - Tập 36 (Bảy viên ngọc rồng) 😂
Do vậy, thay vì cắt giảm ngân sách & án binh bất động chờ đợi suy thoái qua đi, chúng ta cần học cách thay đổi làm marketing sao cho phù hợp với giai đoạn này, để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ví dụ, khi quảng cáo trên truyền hình không tạo được hiệu ứng tốt nữa, chúng ta thường vội vã kết luận rằng marketing không còn hiệu quả trong giai đoạn suy thoái rồi cắt giảm ngân sách.
Trong khi đó, tại sao chúng ta không thử chuyển sang các giải pháp truyền thông số/truyền thông xã hội mới như Microsite, Landing Page, Blog, Webcast, Videocast, Postcast,… để giải quyết vấn đề với chi phí thấp hơn rất nhiều, mà lại phù hợp với xu thế phát triển của xã hội?
Thay đổi để bứt phá
Làm marketing trong thời suy thoái chưa bao giờ dễ dàng, vì nó đi ngược lại bản năng của doanh nghiệp và cả các quy chuẩn điều hành thông thường. Hành vi của khách hàng cũng bị biến đổi sâu sắc. Lúc đó, các nhà quản trị marketing phải thu hút người tiêu dùng bằng những chiến lược mới, bao gồm thay đổi thông điệp truyền thông hoặc thậm chí điều chỉnh cả định vị thương hiệu.
Giữa lúc suy thoái, đừng nên cắt giảm marketing mà phải sử dụng ngân sách thông minh. Và đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp vực dậy, bứt phá. Bởi các công ty nào đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng giữa lúc khó khăn, họ sẽ thu hút thêm rất nhiều khách hàng mới cũng như củng cố niềm tin của nhóm trung thành.
Sự liên tưởng
Mình thích những sự liên tưởng, vì nó dễ gợi nhớ.
Mình có 1 sự liên tưởng khá thú vị cho chủ đề hôm nay, tất cả giống như một cuộc đua trong phim “Fast & Furios” vậy.
Hãy hình dung mỗi doanh nghiệp là một chiếc xe đua, đối thủ thì là đối thủ (tất nhiên rồi), đường đua chính là thương trường, xăng là ngân sách, còn “turbo” chính là marketing, những khó khăn như đại dịch & suy thoái chính là những khúc cua.
Trước suy thoái là một đường đua bằng phẳng, bật “turbo” marketing luôn giúp bạn tiến về phía trước miễn là bạn còn đủ nhiên liệu (xăng/ngân sách), còn khi gặp những khúc cua suy thoái, chiếc xe doanh nghiệp nào cài số mo (N) để chầm chậm lướt qua an toàn thì lúc hết khúc cua chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau, còn chiếc xe doanh nghiệp nào biết cách bật turbo marketing đúng lúc (thường là nửa sau khúc cua) sẽ có tràn trề cơ hội để bứt phá.
(bật turbo “đúng lúc” nhé, bật sai là đâm đầu vào tường đấy!)
Xin hết ạ, chúc các bạn bứt phá top đầu thành công & xin cám ơn mọi người đã chịu khó đọc bài !
748 views
Bài viết phổ biến
Categories
Tags
Subscribe Newsletter
Sign up for our newsletter to hear whenever we have some cool news. We say NO SPAM.